Chương trình đào tạo chuyên ngành Kỹ thuật Cơ điện tử 150TC (truyền thống) được áp dụng cho các Khoá tuyển sinh từ năm 2015 đến 2018 (15CDT, 16CDT, 17CDT, 18CDT).

1. Mục tiêu đào tạo

1.1. Mục tiêu chung

Chương trình nhằm đào tạo những kỹ sư có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khỏe, có nền tảng vững về kiến thức cơ bản, có khả năng ngoại ngữ cũng như có đủ các kiến thức cơ sở và chuyên ngành, có khả năng cải thiện được chức năng của một hệ thống kỹ thuật thông qua mối liên kết chặt chẽ giữa các thành phần cơ học, điện/điện tử, xử lý dữ liệu và điều khiển. Trên cơ sở đó, người kỹ sư cơ điện tử có thể tìm được giải pháp mới ưu việt về phương diện công năng và giá thành sản phẩm, một vấn đề mang ý nghĩa quyết định trong sự cạnh tranh của nền kinh tế toàn cầu.

Kỹ sư cơ điện tử có khả năng làm chủ các sản phẩm cơ điện tử, các công cụ kỹ thuật tự động, hiện đại, như sử dụng, bảo trì, lắp ráp, thiết kế cải tiến, thiết kế chế tạo các sản phẩm cơ điện tử và cũng có khả năng tiếp cận các kiến thức hiện đại trong chuyên ngành.

1.2. Mục tiêu cụ thể

Áp dụng chương trình đào tạo tiên tiến, cập nhật. Giúp sinh viên nắm vững các kiến thức cơ bản và được thực hành trên các phương tiện kỹ thuật hiện đại, nhằm cung cấp cho xã hội các kỹ sư cơ điện tử có:

  • Về phẩm chất

Có phẩm chất chính trị, tư cách đạo đức tốt, đủ sức khỏe để tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.

  • Về kiến thức

Kỹ sư cơ điện tử được trang bị các kiến thức cơ bản về Toán, Vật lý, các kiến thức cơ sở về cơ học, điện, điện tử, tự động hóa, tin học,… và các học phần kỹ thuật chuyên ngành về cơ điện tử.

  • Kỹ năng
    • Vận hành các thiết bị và dây chuyền sản xuất trong công nghiệp.
    • Thiết kế máy và hệ thống điều khiển máy và dây chuyền thiết bị.
    • Tổ chức thiết kế và gia công.
    • Quản lý, điều hành qúa trình thiết kế và sản xuất.
    • Phân tích và xử lý thông tin: Trang bị cho sinh viên khả năng phân tích và xây dựng các mô hình liên quan cơ khí, điện tử, điện,… với sự hỗ trợ của các phần mềm ứng dụng  trong chuyên ngành.
    • Giải quyết vấn đề: Trang bị cho sinh viên khả năng giải quyết các vấn đề đặt ra trong ngành cơ điện tử thông qua các đồ án môn học, thực tập, thực hành và các phần mềm ứng  dụng.
    • Giao tiếp: Trang bị cho sinh viên những kỹ năng trình bày, những giải pháp, những phương án, thông qua các bản thuyết minh, các báo  cáo (thí nghiệm, thực tập, đồ án môn học, đồ án tốt nghiệp) hay các thuyết trình chuyên ngành.
    • Làm việc theo nhóm: Trang bị cho sinh viên tinh thần đoàn kết hợp tác trong học tập và trong các hoạt động; phương pháp làm việc ở những vai trò khác nhau trong một tập thể, phương pháp tổ chức, quản lý để đạt được hiệu quả từ nhóm sinh viên với những trình độ chuyên môn, hoàn cảnh, sở thích, môi trường sống khác nhau…
    • Ngoại ngữ: Trang bị cho sinh viên có kiến thức ngoại ngữ nhất định trong tham khảo tài liệu chuyên môn và giao tiếp (tương đương Toeic – 450 điểm).
  • Thái độ

Trang bị cho sinh viên có được đạo đức tư cách tốt, có ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng với công việc, có ý thức kỷ luật và tác phong công nghiệp.

1.3. Chuẩn đầu ra

Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, người kỹ sư cơ điện tử có khả năng:

  1. Tiếp cận các kiến thức về công nghệ và kỹ thuật tiên tiến, có kỹ năng sử dụng các máy móc, thiết bị tự động hiện đại.
  2. Ứng dụng các kiến thức về Toán và Khoa học cơ bản vào chuyên ngành cơ điện tử.
  3. Phân tích, xử lý kết quả thực nghiệm và áp dụng kết quả đó trong việc cải tiến các sản phẩm cơ điện tử.
  4. Áp dụng các kiến thức chuyên môn trong việc thiết kế các phần tử và cả hệ thống cơ điện tử.
  5. Tổ chức và làm việc hiệu quả trong làm việc nhóm.
  6. Nhận dạng, phân tích và giải quyết những vấn đề về kỹ thuật hiện đại trong chuyên ngành.
  7. Trình bày các kết quả đạt được trong công việc.
  8. Cập nhật các kiến thức mới, hiện đại và có thể tiếp tục học tập nâng cao trình độ chuyên môn.
  9. Hiểu biết về xã hội, về đạo đức nghề nghiệp, về trách nhiệm của người công dân với dân tộc, với Tổ quốc, có ý thức bảo vệ môi trường sống.
  10. Sử dụng tốt các thiết bị, những công cụ kỹ thuật hiện đại trong lĩnh vực chuyên môn.
  11. Sử dụng các phần mềm chuyên dùng để tính toán thiết kế và xử lý các vấn đề trong chuyên môn.
  12. Sử dụng tốt ngoại ngữ trong giao tiếp và làm việc.

2. Cơ hội nghề nghiệp

Ngày nay Cơ điện tử là lĩnh vực được Nhà nước đầu tư trọng tâm nhằm phục vụ công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, do đó các kỹ sư Cơ điện tử có rất nhiều cơ hội nghề nghiệp.

Do được đào tạo với các khối kiến thức tổng hợp từ các ngành học khác nhau như Cơ khí, điện tử, công nghệ máy tính… nên các kỹ sư Cơ điện tử hoàn toàn phù hợp với các vị trí công việc liên quan như: thiết kế cơ khí, thiết kế điện tử, thiết kế bộ điều khiển trung tâm, xây dựng chương trình hoạt động thông minh… Hiện nay sinh viên tốt nghiệp từ ngành Cơ điện tử đã và đang nắm các vị trí quan trọng trong các tập đoàn và nhà máy lớn như Intel, ôtô Trường Hải, DOOSAN Việt Nam, nhà máy lọc dầu Dung Quất…

Ngoài công việc chuyên môn như trên, người kỹ sư Cơ điện tử còn có thể thích ứng vào công việc của các lĩnh vực cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ cao… chẳng hạn như: điều hành và tổ chức quản lý hoạt động sản xuất, xây dựng quy trình sản xuất sản phẩm, vận hành và điều hành hoạt động của các thiết bị công nghệ tự động…

3. So sánh

  • Các ngành khoa học khác như cơ khí, điện tử, tin học đều có nền tảng khoa học vững chắc và tạo ra các sản phẩm đặc trưng riêng của ngành học đó. Tuy nhiên, yêu cầu của thời đại đặt ra là chế tạo được các máy móc cần phải gọn nhẹ hơn, linh động hơn, uyển chuyển hơn và thông minh hơn. Các kỹ sư cơ khí có thể làm máy móc nhỏ gọn hơn nhưng không thể làm máy móc thông minh hơn, trong khi những kỹ sư tin học có thể tạo ra trí thông minh nhân tạo nhưng họ không biết về cơ khí, những kỹ sư điện tử có thể kết nối và điều khiển tín hiệu, nhưng họ không thể kết nối giữa trí thông minh nhân tạo để điều khiển thiết bị cơ khí. Chính yêu cầu này đã hình thành nên ngành Cơ điện tử để tạo ra sản phẩm mới đáp ứng các yêu cầu đặt ra trên cơ sở phối hợp nền tảng sẵn có của các ngành với nhau.
  • Các kỹ sư Cơ điện tử với khả năng am hiểu về cơ khí, điện tử, tin học, và các công nghệ hiện đại… có thể đưa vào các sản phẩm cơ khí hệ thống điều khiển linh hoạt bằng điện tử, và thông qua hệ thống điện tử, kết nối với hệ thống xử lý thông tin – trí thông minh nhân tạo để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh.

Phần này được cập nhật tháng 4/2020.

CONTACT: FACULTY OF MECHANICAL ENGINEERING OFFICE, A219
  • No. 54 Nguyen Luong Bang street, Danang city
  • (+84) 236 3842741