Chương trình đào tạo chuyên ngành Cơ khí Hàng không 120TC được áp dụng cho các Khoá tuyển sinh từ năm 2020 trở đi.

1. Mục tiêu đào tạo

1.1. Mục tiêu chung

Mục tiêu chung của chương trình đào tạo chuyên ngành Cơ khí Hàng không thuộc ngành Kỹ thuật Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có phẩm chất chính trị, đạo đức và sức khoẻ tốt; có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng lực nghiên cứu và phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực Cơ khí hàng không nhằm phục vụ và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.

1.2. Mục tiêu cụ thể

Sinh viên sau từ 2 đến 3 năm tốt nghiệp chương trình đào tạo chuyên ngành Cơ khí Hàng không sẽ có:

  1. Kiến thức chuyên môn toàn diện trong lĩnh vực Cơ khí Hàng không; nhận dạng các vấn đề kỹ thuật cấp bách trong xã hội liên quan đến lĩnh vực Cơ khí hàng không và đưa ra hướng giải quyết hợp lý; khả năng ứng dụng các nguyên lý, quy luật tự nhiên – xã hội trong công việc và cuộc sống;
  2. Khả năng lập luận, phân tích, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực Cơ khí Hàng không; khả năng thử nghiệm, sáng tạo và đánh giá các vấn đề liên quan đến chuyên ngành Cơ khí hàng không; khả năng áp dụng các chiến lược hợp lý để tự học tập và tiếp thu các kiến thức mới nếu cần thiết;
  3. Kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm hiệu quả; khả năng sáng tạo, thích nghi với bối cảnh doanh nghiệp, xã hội và môi trường làm việc đa ngành, đa văn hoá; khả năng đọc, viết và giao tiếp tốt bằng ngoại ngữ tiếng Anh trong công việc;
  4. Đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp tốt; ý thức phục vụ xã hội, cộng đồng; sức khỏe tốt để đóng góp hữu hiệu vào sự phát triển bền vững của xã hội; khả năng áp dụng các kỹ năng và kiến thức khởi nghiệp vào thực tế khi cần thiết.

1.3. Chuẩn đầu ra

Sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo chuyên ngành Cơ khí Hàng không, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, có khả năng:

  1. Áp dụng các kiến thức về toán, khoa học cơ bản và khoa học kỹ thuật để xác định và giải quyết các vấn đề kỹ thuật trong lĩnh vực Cơ khí Hàng không;
  2. Sử dụng các thiết bị thí nghiệm, các phần mềm mô phỏng chuyên dùng cần thiết cho lĩnh vực chuyên môn;
  3. Thiết kế, tiến hành các thí nghiệm, phân tích, xử lý dữ liệu và sử dụng các kiến thức kỹ thuật để đưa ra các kết luận;
  4. Nhận thức được trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp trong các tình huống kỹ thuật;
  5. Lĩnh hội và áp dụng kiến thức mới, sử dụng chiến lược học tập phù hợp;
  6. Sử dụng các phương pháp, kỹ năng và công cụ kỹ thuật hiện đại trong thực tiễn;
  7. Chọn lựa chiến lược giao tiếp hiệu quả trong các ngữ cảnh khác nhau; giao tiếp tốt bằng tiếng Anh trong công việc, đạt trình độ TOEIC quốc tế 600 điểm trở lên;
  8. Hoạt động hiệu quả trong một nhóm, phát triển kỹ năng lãnh đạo, tạo ra môi trường hợp tác, lập kế hoạch nhiệm vụ để đạt được các mục tiêu đề ra;
  9. Hình thành ý tưởng, thiết kế hệ thống và quy trình nhằm đáp ứng các yêu cầu thực tế về kinh tế, xã hội, môi trường, chính trị, đạo đức, an toàn lao động, sản xuất và phát triển bền vững.

2. Cơ hội nghề nghiệp

Sinh viên tốt nghiệp ngành Cơ khí hàng không có đủ năng lực để làm tốt các vị trí công việc như nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, vận hành, bảo dưỡng, và triển khai các hệ thống, thiết bị tích hợp cơ khí, điện tử, động lực và điều khiển trong Cơ khí sản xuất Hàng không, Cơ khí chính xác. Bên cạnh đó, kỹ sư Cơ khí Hàng không có thể làm việc trong lĩnh vực Cơ khí nói chung.

Một trong hai chuyên ngành mới được Trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng sẽ mở trong năm 2020 là chuyên ngành Cơ khí hàng không (thuộc ngành Kỹ thuật Cơ khí). Trường ĐH Bách khoa – ĐHĐN cũng là trường ĐH đầu tiên ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên mở chuyên ngành đào tạo này. Điều đáng nói, chuyên ngành này được mở theo đơn đặt hàng của Tập đoàn Universal Alloys Corporation – UAC (tập đoàn chuyên sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Mỹ).

Năm 2019, Tập đoàn UAC có dự án sản xuất linh kiện máy bay và thiết bị hàng không vũ trụ tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Dự án này có tổng vốn đầu tư lên đến 170 triệu USD. Trong giai đoạn 1, UAC khởi công xây dựng nhà xưởng để phục vụ cho việc sản xuất các bộ phận, chi tiết dùng trong lĩnh vực hàng không vũ trụ. Sản phẩm từ nhà máy này sẽ được cung ứng cho việc lắp ráp, chế tạo các bộ phận thân máy bay của các Tập đoàn hãng Boeing, Airbus…; phục vụ chế tạo động cơ cho Rolls Royce.

Phần này được cập nhật tháng 5/2020.

CONTACT: FACULTY OF MECHANICAL ENGINEERING OFFICE, A219
  • No. 54 Nguyen Luong Bang street, Danang city
  • (+84) 236 3842741