1. Mục tiêu và chuẩn đầu ra chương trình
1.1. Mục tiêu chung
Nhằm đào tạo những kỹ sư có phẩm chất chính trị, tư cách đạo đức tốt, có sức khỏe; có nền tảng vững chắc về kiến thức khoa học cơ bản, cơ sở kỹ thuật và kiến thức chuyên môn; có kiến thức cơ bản về quản lý, tổ chức và điều hành sản xuất; có kỹ năng thực hành cơ bản và tay nghề tốt; có kỹ năng làm việc theo nhóm, thuyết trình ý tưởng, kế hoạch; có trình độ ngoại ngữ và tin học tốt, đáp ứng yêu cầu phát triển của lĩnh vực Cơ khí chế tạo máy.
Chương trình chú trọng đến việc phát triển các kỹ năng phân tích, các giải pháp kỹ thuật có thể có, qua đó sinh viên khi tốt nghiệp có đủ kiến thức thích nghi với môi trường làm việc cạnh tranh và luôn thay đổi.
1.2. Mục tiêu cụ thể
- Về kiến thức
Trang bị cho sinh viên các kiến thức vững vàng về khoa học cơ bản như Toán, Lý, Hóa; các kiến thức cơ sở ngành; các kiến thức chuyên ngành Cơ khí Chế tạo máy bao gồm kiến thức về tính toán, thiết kế cơ khí trong hệ thống sản xuất chế tạo máy, tự động hóa quá trình sản xuất, các công nghệ sản xuất hiện đại, tổ chức và quản lý sản xuất.
- Về kỹ năng
- Phân tích, giải quyết vấn đề: Trang bị cho sinh viên kỹ năng thiết kế chế tạo máy và chi tiết máy, hệ thống sản xuất và các loại sản phẩm là thiết bị phục vụ nền kinh tế quốc dân và cộng đồng; kỹ năng tự tổ chức thực hiện các quá trình gia công, sản xuất chi tiết máy và máy, từ khâu chuẩn bị đến gia công, chế tạo ra thành phẩm; kỹ năng quản lý, điều hành các quá trình gia công, điều hành hệ thống sản xuất cơ khí và hệ thống sản xuất công nghiệp có liên quan; kỹ năng về vận hành thiết bị, bảo quản, bảo dưỡng máy móc, thiết bị…; kỹ năng thu thập xử lý thông tin, phân tích cách yêu cầu, giới hạn mục tiêu thiết kế qua các điều kiện ràng buộc; kỹ năng tìm lời giải qua các bước phân tích và các công cụ hỗ trợ.
- Giao tiếp: Kỹ năng trình bày, diễn đạt vấn đề, giải thích những giải pháp phức tạp, giải pháp thay thế, trang bị cho sinh viên có kiến thức ngoại ngữ nhất định trong tham khảo tài liệu chuyên môn và giao tiếp.
- Làm việc theo nhóm: Trang bị cho sinh viên tinh thần đoàn kết hợp tác trong học tập và trong các hoạt động; phương pháp làm việc ở những vai trò khác nhau trong một tập thể, phương pháp tổ chức, quản lý để đạt được hiệu quả từ nhóm sinh viên với những trình độ chuyên môn, hoàn cảnh, sở thích, môi trường sống khác nhau.
- Về thái độ
Trang bị cho sinh viên ý thức trách nhiệm đối với công việc, đối với cộng đồng, tinh thần hợp tác, tương trợ, ý thức tổ chức kỷ luật và tác phong công nghiệp.
1.3. Chuẩn đầu ra
Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, kỹ sư ngành Công nghệ chế tạo máy có khả năng:
- Tiếp cận về công nghệ và kỹ thuật tiên tiến, kỹ năng vận hành các thiết bị hiện đại trong công nghiệp.
- Ứng dụng các kiến thức về khoa học cơ bản, cơ sở ngành vào thiết kế, chế tạo sản phẩm và hệ thống điều khiển.
- Phân tích, xử lý và áp dụng kết quả thực nghiệm trong sản xuất.
- Áp dụng kiến thức vào thiết kế dây chuyền sản xuất và các thành phần trong chế tạo máy.
- Tổ chức hiệu quả trong làm việc nhóm.
- Nhận dạng, phân tích tài liệu và thực tiễn để giải quyết các vấn đề kỹ thuật.
- Trình bày kết quả, ý tưởng.
- Nghiên cứu, tự học tập, cập nhật các vấn đề mới về kỹ thuật.
- Hiểu biết về xã hội, môi trường.
- Sử dụng những kỹ năng và những công cụ kỹ thuật hiện đại cần thiết cho lĩnh vực chuyên môn.
- Sử dụng các phần mềm kỹ thuật chuyên ngành.
- Sử dụng ngoại ngữ trong giao tiếp và làm việc.
2. Cơ hội nghề nghiệp:
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) được coi là nhiệm vụ trung tâm, quan trọng nhất của toàn Đảng, toàn dân trong giai đoạn hiện nay. CNH, HĐH phải gắn liền với kinh tế tri thức, phát triển bền vững. Sự phát triển của các ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn, như điện, cơ khí, tự động, vật liệu… phải đủ khả năng để tham gia toàn cầu hóa và đẩy nhanh CNH, HĐH công – nông nghiệp, nông thôn, các ngành kinh tế, dịch vụ khác.
Những số liệu thống kê cho thấy nhu cầu nhóm ngành Cơ khí – Luyện kim – Công nghệ ô tô xe máy đang đứng đầu, chiếm tỷ lệ 28% nhu cầu lao động về nhu cầu nhân lực giai đoạn 2012 – 2015 (Dữ liệu của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM). Từ nay đến năm 2020, đội ngũ kỹ sư ngành cơ khí chế tạo máy chính xác và tự động hóa cần 8000 người/năm. Đây cũng chính là ngành chủ lực được ưu tiên nên đòi hỏi một nguồn nhân lực rất lớn và tạo nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp.
Vị trí công việc sau khi tốt nghiệp, sau khi ra trường sinh viên tốt nghiệp có khả năng tham gia:
- Làm các công việc kỹ thuật, quản lý, điều hành sản xuất tại các đơn vị sản xuất cơ khí chế tạo máy.
- Tư vấn, thiết kế, vận hành, điều khiển hệ thống sản xuất chế tạo máy, kiểm tra bảo dưỡng thiết bị, quản lý, tổ chức sản xuất tại các đơn vị có trang bị dây chuyền và thiết bị tự động hóa phục vụ trong lĩnh vực cơ khí chế tạo máy.
- Làm việc ở các cơ quan quản lý có liên quan đến lĩnh vực cơ khí chế tạo máy.
- Giảng dạy các môn học của chuyên ngành Cơ khí chế tạo máy ở các trường Đại học, Cao đẳng.
- Nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực cơ khí chế tạo máy ở các Viện nghiên cứu, các trung tâm, các cơ quan nghiên cứu của các Bộ, ngành, các trường Đại học, Đại học và Cao đẳng.
Khoa Cơ khí – Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng có đầy đủ trang thiết bị và máy móc hiện đại để phục vụ cho quá trình đào tạo (xem thêm ở mục Cơ sở vật chất) và là nơi uy tín và nổi trội nhất trong đào tạo Ngành Công nghệ Chế tạo máy tại khu vực Miền Trung và Tây Nguyên. Với vị thế đó, khoa Cơ khí luôn chú trọng hợp tác với các công ty và tập đoàn lớn trong ngành công nghiệp tại Miền Trung và Tây Nguyên (tập đoàn DOOSAN, Ôtô Trường Hải, Đóng tàu Sông Thu, Intel, Gang thép Formosa – Hà Tĩnh) nhằm hướng đến mục tiêu hợp tác đào tạo, ký kết cung ứng nguồn nhân lực tạo cơ hội việc làm cho hàng trăm sinh viên sau khi tốt nghiệp mỗi năm.